Ngày càng có nhiều người tin vào các quảng cáo mỹ phẩm rất “kêu” mà không biết mình đang bị mê hoặc và sử dụng những sản phẩm có thể gây nguy hại cho cơ thể, sức khỏe và cho chính… vẻ đẹp của mình
“Dựa hơi” khoa học để… quảng cáo
Theo Dược sĩ (DS) Phan Đức Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) TP.HCM, mỹ phẩm hiện nay đang “đánh vào” quảng cáo chức năng sản phẩm. Đó là những chức năng như: dưỡng da, nuôi dưỡng tóc, xóa nếp nhăn, làm mờ mụn, tẩy tế bào chết... Trên quảng cáo cũng như nhãn ghi sản phẩm thường xuất hiện những từ nghe rất y học như “lâm sàng”, “giữ da theo toa bác sĩ” hoặc có vẻ rất khoa học như: “chỉ cần dùng một liều lượng nhỏ mỗi ngày”, “phục hồi tế bào”, “cân bằng pH”, “giàu protein”... Tại các quầy mỹ phẩm, trung tâm thương mại, người tiêu dùng thường ít tự chọn sản phẩm mà những người bán, có chuyên môn hay không có chuyên môn, có vai trò giới thiệu, tư vấn để hướng người tiêu dùng mua và sử dụng sản phẩm đó, thậm chí là kê đơn…
Mức độ xác tín?
Nhiều cuộc nghiên cứu mỹ phẩm trên thế giới đã chỉ ra rằng: một số những mỹ phẩm đã “làm được việc đáng kể”. Ví như kem chống nắng có tác dụng này thật, bởi trong thành phần chứa chất có khả năng hấp thu những tia cực tím (tử ngoại) nóng cháy có hại của mặt trời. Người sống trong vùng khí hậu khô, để ngăn chặn việc khô da, tróc vẩy thì nhiều loại kem dưỡng da tỏ ra hữu ích, bởi trong đó chứa chất giữ ẩm và chất làm ẩm. Những sản phẩm này có thể là kem dưỡng da, sữa rửa mặt, sữa tắm, thuốc nước… Tuy nhiên, nước ta với khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, những người có làn da thường hoặc nhờn mà sử dụng chúng thì sẽ bị phản ứng ngược, làm da nhờn thêm, nổi mẩn ngứa, nổi mụn dầu da mặt hay vùng lưng, DS. Bình cho biết. Theo ông, việc hữu dụng của một số sản phẩm hẳn nhiên là phải có, nhưng có khi, “người quảng cáo” cố tình “đặc biệt hóa” sản phẩm, làm cho những chất bình thường có cái tên nghe “kêu” và ấn tượng hơn. Ví như quảng cáo mỹ phẩm dùng thành phần “protein nối điện tử” để… chiêu dụ khách hàng, nhưng họ thừa biết rằng: nước lã cũng có những “nối điện tử”. Về cơ bản, chất trong mỹ phẩm tương tự nhau, chỉ có… giá bán là khác nhau!
Coi chừng mỹ phẩm!
DS. Phạm Hữu Hiền, Tổng Thư ký Hội BVQLNTD TP.HCM cho biết, trong thực tế nhiều hãng mỹ phẩm đã sử dụng nhiều nguyên liệu tá dược không thông qua chuẩn của cơ quan FDA (Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ) để sản xuất. Các nhà khoa học Viện Sức khỏe và An toàn Nghề nghiệp Hoa Kỳ trong một khảo sát đã tìm thấy 800 hóa chất dùng trong kỹ nghệ mỹ phẩm đã từng được báo cáo là độc chất. Một khảo sát trên mạng cũng cho thấy, có 9 người sử dụng 9 loại mỹ phẩm mỗi ngày (có chứa 126 hóa chất khác nhau). Đối với phụ nữ, có 250 ngàn người sử dụng đến 15 loại sản phẩm mỗi ngày. Tuy nhiên, những người này không hề biết chỉ có 1% sản phẩm họ sử dụng (có trong khảo sát) được ngành mỹ phẩm nghiên cứu tính an toàn, 70% sản phẩm có thành phần tạp chất gây nguy hiểm, 70% thuốc nhuộm tóc có chứa thành phần có nguồn gốc từ hắc ín. Đáng chú ý, có tới 30% sản phẩm có chứa ít nhất một tá dược nằm trong danh sách nhóm hóa chất gây ung thư...
Với mỹ phẩm, việc dị ứng là điều nguy hại và có nguy cơ khá cao ngay cả khi nhà sản xuất quảng cáo sản phẩm của họ “ít gây dị ứng”. Theo DS. Bình, hóa chất nào cũng có nguy cơ gây dị ứng 2 - 5%. Trong khi đó, mỗi loại mỹ phẩm thường chứa 7 - 15 hóa chất khác nhau. Dễ gây dị ứng nhất là mỹ phẩm trực tiếp xức lên da, có mùi. Riêng các chất cầm mùi (giữ mùi) đã có thể gây dị ứng, ung thư, rối loạn tiết tố. Trẻ em dùng khi còn nhỏ tuổi sẽ gây phát dục sớm, chứng ngực lớn và bé trai có thể bị nữ hóa, thậm chí bất lực khi trưởng thành. Đây quả là những hậu quả cần được cảnh báo thường xuyên khi mà mỹ phẩm đã trở nên phổ biến và đang “xâm lăng” quá sâu vào sinh hoạt, cuộc sống của nhiều người.
TUÂN NGUYỄN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét